So sánh sản phẩm

ứng dụng kỹ thuật mới trong Tai Mũi Họng

ỨNG DỤNG KỸ THUẬT MỚI TRONG NGÀNH TAI MŨI HỌNG
Hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong y học phục vụ con người, đặc biệt trong lĩnh vực khám, chẩn đoán và điều trị bệnh đã có những bước phát triển và đã đạt nhiều tiến bộ không ngừng.
Việt Nam cũng đã nhanh chóng tiếp cận những thành tựu của nền y học trên thế giới, ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh Việt Nam, nhằm giúp cho người bệnh ở Việt Nam có thể thụ hưởng được các thành tựu của nền y học trên thế giới, nâng cao chất lượng điều trị, và hiệu quả cho bệnh nhân.
Ngành Tai Mũi Họng cũng nằm trong xu thế đó, sau đây là một số trong những tiến bộ trong chuyên ngành Tai Mũi Họng, đã được ứng dụng ở Việt Nam:
1.Ứng dụng nội soi dùng ánh sánh dãi tần hẹp phát hiện sớm ung thư
Nội soi trong y học có thể giúp phát hiện sớm những thay đổi nhỏ, nhất là các tổn thương ung thư xảy ra ở lớp niêm mạc nông của đường hô hấp tiêu hóa. Đối với các nội soi trước đây, dùng ánh sáng trắng để chiếu sáng bề mặt niêm mạc.
Với nội soi dùng ánh sáng dãi tần hẹp, các hình ảnh được nhìn thấy do sự phát ra của ánh sáng ở 2 dãi tần hẹp (màu xanh : 390-445 nm; màu xanh lá cây: 530-550nm), những ánh sáng này dễ hấp thụ bởi hồng cầu (hemoglobin) trong máu. Chính vì vậy chúng làm nổi lên các hình ảnh của các mạc máu rất nhỏ ở bề mặt niêm mạc và cấu trúc niêm mạc được nhìn thấy chi tiết hơn.
Các khối u đều có mạch máu nuôi phát triển để cung cấp dinh dưỡng cho tế bào u, nhất là tế bào ung thư. Do vậy sự thay đổi đặc trưng khi khối u dang phát triển là sự gia tăng số lượng mạch máu nhỏ và cấu trúc niêm mạc trở nên thô và sần sùi hơn. Sử dụng nội soi sử dụng ánh sáng dãi tần hẹp này có thể  giúp nhìn rõ hơn khối u ở giai đọan sớm, giúp phát hiện sớm ung thư.
Hiện nay một số cơ sỏ Tai Mũi Họng ở Việt Nam đã đưa sử dụng hệ thống nội soi này trong khám phát hiện bệnh, giúp phát hiện sớm hơn các ung thư vùng tai mũi họng như ung thư vòm họng, ung thư hạ họng, ung thư thanh quản…
2.Phẫu thuật tạo hinh chuỗi xương con tai giữa.
          Tai giữa có tác dụng dẫn truyền âm thanh từ tai ngoài vào đến tai trong, nhờ vào hệ thống màng nhĩ và các xương con ( có kích thước rất nhỏ).
          Trong một số bệnh lý của tai giữa, nhất là các thể viêm tai co kéo, viêm tai xẹp nhĩ đặc biệt là các bệnh lý cholesteatoma tai giữa, các xương con thương bị tổn thương, trật khớp, đứt đoạn thậm chí bị tiêu hủy hoàn tòan. Chính vì vậy phẫu thuật tai giữa, tái tạo lại hệ thống xương con sẽ giúp cho tai giữa có lại được chức năng của nó và mang lại kết quả tốt nhất về chức năng nghe cho bệnh nhân.
          Hiện nay phẫu thuật này đã đạt được nhiều tiến bộ ở Việt Nam, có thể thực hiện dưới kính hiển vi phẫu thuật hoặc dưới ống nội soi phóng đại, có thể thay thế một hoặc tòan bộ các xương con.
Đặc biệt tại Khoa Tai BV TMH trung ương và Trường ĐH Bách khoa Hà Nôi đã nghiên cứu chế tạo được các xương con bằng gốm sinh học, với rất nhiều mẫu và kích thước khác nhau, ứng dụng cho người bệnh đã đạt được kết quả tốt.
3.Ứng dụng hệ thống Coblation, Plasma trong cắt Amidan nạo VA
Coblation là thiết bị sử dụng năng lượng sóng cao tần. Năng lượng này làm phá vỡ các liên kết phân tử và làm tan các mô. Không giống như các dụng cụ phẫu thuật điện (dao điện), Coblation tạo nên rất ít nhiệt khi sử dụng để cắt Amidan, nạo VA. Nhiệt độ giảm đến 40-90 độ C thấp hơn rất nhiều so với dao điện. Các tổn thương ở mô xung quanh được giảm đi đáng kể do vậy giảm đau hơn cho bệnh nhân.
Dựa trên kỹ thuật riêng của mình, hệ thống Plasma (The PEAK PlasmaBlade® Surgery System) là phát triển quan trọng trong kỹ thuật ứng dụng năng lượng sóng cao tần, hệ thống này cũng đã được ứng dụng trong cắt Amidan và nạo VA ở Việt Nam.
Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đưa ra kết luận rõ ràng là sử dụng thiết bị sóng cao tần là tốt hơn hay xấu hơn các kỹ thuật trước đây, kết quả trên bệnh nhân ngoài các trang thiết bị, còn tùy thuộc vào bệnh nhân, vào tay nghề, thói quen và kinh nghiệm của người thầy thuốc.
4.Sử dụng hệ thống định vị trong phẫu thuật nội soi mũi xoang:
          Hệ thống các xoang, đặc biệt là hệ thống xoang trán, sàng, xoang bướm có cấu trúc giải phẫu phức tạp, nằm sâu, lại tiếp giáp với nhiều cơ quan, cấu trúc quan trọng và nguy hiểm như màng não, nội sọ, dây thần kinh thị giác, ổ mắt, động mạch cảnh trong..
          Trong các bệnh lý mũi xoang có chỉ định phẫu thuật như viêm, polype, khối u lành tính ( u nhú, u xơ mạch…), khối u ác tính… , các tổn thương do viêm hoặc do u này có thể ở các vị trí nguy hiểm sát nền sọ, ổ mắt, dây thần kinh thị, động mạch cảnh mà với phẫu thuật nội soi mũi xoang thông thường tiến hành rất khó khăn, đôi khi nguy hiểm. Phẫu thuật viên thường không dám lấy hết bệnh tích ở vùng này hoặc phải chọn đường phẫu thuật ngoài, tuy vậy vẫn không ít biến chứng đã xảy ra.
Cho đến nay, phẫu thuật nội soi mũi xoang đã ra đời và phát triển được 4 thập kỷ, được lựa chọn thay thế cho các phẫu thuật xoang kinh điển  qua đường bên ngoài trước đây với nhiều ưu điểm như: ít xâm lấn, ít gây phù nề sau mổ, không để lại sẹo, phù hợp với các đặc điểm giải phẫu, sinh lý mũi xoang.Tuy vậy, phẫu thuật nội soi mũi xoang vẫn còn những hạn chế: là tầm nhìn bị giới hạn, phạm vi phẫu trường quan sát được là từ đầu ống soi trở ra trước, là hình ảnh hai chiều, không có được một phẫu trường toàn diện và có chiều sâu, có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Thật vậy biến chứng do mổ NSMX đến nay vẫn là một trong những vấn đề lớn mà phẫu thuật viên phải đối mặt, nguy cơ xảy ra biến chứng nặng khoảng 0,5-1% các phẫu thuật, con số này rất có ý nghĩa khi một số lượng lớn phẫu thuật NSMX thực hiện hằng năm.
Sự ra đời của hệ thống hướng dẫn hình ảnh định vị ba chiều (IGNS hay IGS), và bắt đầu được sử dụng trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi mũi xoang tại Mỹ vào những năm cuối của thập niên 1990 và những năm đầu của thập niên 2000, đã giúp khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật nội soi mũi xoang, làm cho cuộc mổ trở nên an toàn và triệt để hơn; giúp định vị và tránh làm tổn thương các cấu trúc quan trọng như xương giấy, ổ mắt, sàn sọ, thần kinh thị, động mạch cảnh trong…
       Do vậy việc ứng dụng phẫu thuật nội soi có hệ thống định vị, sẽ giúp phẫu thuật có thể lấy hết bệnh tích, điều trị bệnh triệt để, giảm tái phát, tránh làm tổn thương các cấu trúc quan trọng kế cận, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Đây là một cách mạng trong quá trình phát triển của phẫu thuật nội soi mũi xoang, là một hệ thống dẫn đường cho phẫu thuật viên trên phẫu trường của các mê đạo xoang hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều cấu trúc quan trọng và nguy hiểm.
       Máy định vị thường dùng hiện nay là loại không khung, không dây. Bệnh nhân sẽ được chụp cắt lớp vinh tính đa lát cắt, các dữ liệu sẽ được chuyển cho máy tính của hệ thống. Độ chính xác 2mm là được chấp nhận cho phẫu thuật và các dụng cụ phẫu thuật định vị. Hình ảnh cắt  đứng, ngang và dọc của xoang sẽ được hiển thị trên nàn hình ở vị trị đầu dò. Do vậy hệ thống máy định vị sẽ định vị, cho biết được cùng một lúc vị trí của đầu thăm dò, trên 3 bình diện trên màn hình hiển thị.
Với hệ thống này phẫu thuật viên gần như có thể đánh giá và phẫu thuật trên không gian 3 chiều.
5.Ứng dụng vi phẫu thuật Laser CO2 điều trị ung thư thanh quản:
Đối với ung thư thanh quản giai đoạn sớm việc điều trị phải đạt được mục đích loại bỏ được khối u nhưng vẫn giữ lại được chức năng thanh quản. Chức năng này bao gồm cả chức năng phát âm và chức năng nuốt. Sử dụng tia xạ và phẫu thuật mở cắt bán phần thanh quản là các phương pháp vẫn được áp dụng trong điều trị từ trước đến nay.
Nhờ những tiến bộ về công nghệ Laser trong những năm gần đây, phương pháp phẫu thuật ung thư thanh quản bằng Laser bắt đầu được ứng dụng và ngày càng được chấp nhận như là phương pháp trị liệu có hiệu quả.
Hệ thống này bao gồm một máy phát tia Laser CO2, được gắn với kính hiển vi phẫu thuật qua trung gian của một hệ thống vi chỉnh, điều chỉnh chinh xác từng milimet chùm tia laser để cắt tổ chức, phẫu thuật.Lợi ích của phẫu thuật bằng Laser Co2 là tính chính xác, ít làm tổn thương, ít phù nề tổ chức xung quanh, có thể gắn vào kính hiển vi phẫu thuật dưới soi treo qua đường miệng, không cần phải rạch da bên ngoài, tỷ lệ cần phải mở khí quản trong mổ thấp, bệnh nhân hồi phục nhanh, chất lượng giọng tốt hơn…, việc sử dụng Laser Co2 trong phẫu thuật ung thư thanh quản ngày càng phổ biến ở các nước trên thế giới.
Hiện nay Trung tâm Ung bướu BV Tai Mũi Họng Trung ương đã bắt đầu ứng dụng Laser Co2 vào phẫu thuật ung thư thanh quản giai đoạn sớm để điều trị bệnh và bước đầu có được kết quả khả quan, nâng cao chất lượng điệu trị,nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư thanh quản, hội nhập với xu thế của các nước trên khu vực và trên thế giới.
6.Ốc tai điện tử:
     Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử có thể giúp tạo cảm giác âm thanh cho người điếc nặng hoặc điếc sâu. Một bộ ốc tai điện tử bao gồm một bộ phận bên ngoài được đeo sau tai và một bộ phận thứ hai được phẫu thuật cấy ở dưới da và trong ốc tai. Ốc tai điện tử rất khác với máy trợ thính, vì máy trợ thính giúp khuếch đại âm thanh do đó có thể bị cản trở do có tổn thương của tai, còn ốc tai điện tử đi tắt qua vùng bị tổn thương của tai và kích thích trực tiếp vào dây thần kinh thính giác. Tín hiệu được tạo ra bởi ốc tai điện tử được truyền qua dây thần kinh thính giác lên não, và não sẽ nhận các tín hiệu này như là âm thanh, vậy nghe qua ốc tai điện tử khác với nghe bình thường và phải có thời gian để học nghe lại.
     Vào tháng 12/1984 FDA đã chấp thuận cho phép cấy ốc tai điện tử đa kênh được sản xuất tại Úc cho người lớn bị điếc sâu tại Mỹ. Năm 1990, FDA cho phép cấy ốc tai điện tử đa kênh ở trẻ em 2 tuổi và ở trẻ em 18 tháng tuổi vào năm 1998 và ở trẻ em 12 tháng tuổi vào năm 2002 .
     Trên thế giới, tại hầu hết các nước đã và đang phát triển, mỗi nước đều có nhiều trung tâm có thể phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, và phẫu thuật này đã là một phẫu thuật thường quy cho chuyên khoa Tai và Tai –Thần kinh. Tính đến tháng 4/2010 trên thế giới có khoảng 200 000 bệnh nhân đã được phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. Ở Việt Nam tại TP HCM và Hà Nội đã có các trung tâm thực hiện phẫu thuật và huấn luyện, hiệu chỉnh máy, đã thực hiện thành công trên hàng trăm bênh nhân.
Đây vẫn còn là một trong những bước tiến mới của khoa học kỹ thuật giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng của xã hội đối với trẻ bị điếc bầm sinh nếu không được can thiệp sớm sẽ trở thành trẻ  điếc -câm .

7.Xử trí chảy máu mũi khó cầm do chấn thương bằng chụp tắc mạch chọn lọc:
Chảy máu mũi khó cầm là những trường hợp chảy máu nhiều, ồ ạt hoặc chảy máu tái diễn nhiều lần mà các phương pháp cầm máu thông thường (nhét meche mũi trước, mũi sau, thậm chí cả nội soi đông điện) không có hiệu quả, nếu không được chẩn đoán, xử trí sớm và phù hợp có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Hiện nay, với kỹ thuật chụp mạch số xóa nền DSA và gây tắc mạch chọn lọc, đã đóng vai trò rất lớn trong điều trị thành công, cứu sống bệnh nhân, trong các trường hợp chảy máu mũi khó cầm sau chấn thương, đặc biệt với các trường hợp có giả phình động mạch cảnh trong, thông động mạch cảnh xoang hang, giả phình động mạch hàm trong…
8.Bơm mỡ tự thân điều trị liệt dây thanh quản:
          Trong một số trường hợp bệnh nhân bị liệt dây thanh quản một bên, thường gặp nhất là sau phẫu thuật tuyến giáp, bệnh nhân bị khàn tiếng, mất tiếng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Phương pháp bơm mỡ của chính bệnh nhân vào bên dây thanh bị liệt sẽ giúp phục hồi được giọng nói. Tổ chức mỡ của bệnh nhân đươc nghiền và quay ly tâm, sau đó được bơm vào cơ dây thanh bị liệt dưới kính hiển vi phẫu thuật. Đây là một phương pháp hiệu quả, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh giọng nói.