UNG THƯ HẠ HỌNG
UNG THƯ HẠ HỌNG
Hạ họng là phần thấp nhất của ống họng, chỗ nối vào thực quản. Khi ăn uống, phần hạ họng giúp thức ăn, nước uống xuống thực quản một cách dễ dàng. Hạ họng là vùng hay xảy ra ung thư, thường gặp ở bệnh nhân từ 40-60 tuổi. Người ta nhận thấy rượu và thuốc lá làm nguy cơ gây ung thư hạ họng tăng gấp 3 lần. Nghề nghiệp phải tiếp xúc với amian, niken, crôm, chất dẻo... cùng với các viêm nhiễm mạn tính vùng hạ họng cũng được xem như là các yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Bệnh nhân ung thư hạ họng có biểu hiện ban đầu với triệu chứng nuốt vướng một bên, có cảm giác như bị mắc xương cá, hiện tượng này kéo dài và tăng dần, về sau, khối u phát triển làm cản trở đường ăn, bệnh nhân sẽ bị nuốt nghẹn, nuốt khó. Bệnh nhân có khi có cảm giác đau khi nuốt, đau lan lên tai cùng bên với nuốt vướng. Trường hợp đến muộn, khối u lan rộng vào thanh quản bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng, có khi khó thở. Bệnh nhân thường có hạch ở cổ, sưng to, chắc.
Khi có các triệu chứng này, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng, khám vùng hạ họng có thể tiến hành bằng soi hạ họng gián tiếp qua một gương soi nhỏ đưa vào họng, hoặc khám bằng ống nội soi cứng hoặc ống nội soi mềm, bác sĩ sẽ đánh giá cẩn thận các tổn thương ở vùng hạ họng, nếu phát hiện tổn thương nghi ngờ như loét, sùi, chảy máu...,bác sĩ phải tiến hành nội soi để cắt một mẫu nhỏ vùng tổn thương, còn được gọi là sinh thiết, mẫu này được gửi đến các bác sĩ giải phẫu bệnh để kiểm tra có tế bào ung thư hay không.
Khác với thanh quản, vùng hạ họng có rất nhiều mạch bạch huyết, lại nằm trên trục đường ăn, nên khối ung thư có thể phát triển, lan ra dễ dàng, không bị cản trở nào, do vậy việc phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm là yếu tố rất quan trọng đối với kết quả điều trị...
Đối với ung thư hạ họng, hiện nay phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu.
Nếu khối u nhỏ, khu trú, chưa lan nhiều vào thanh quản, có thể phẫu thuật cắt một phần hạ họng, vẫn còn giữ được thanh quản, bệnh nhân vẫn có thể nói được.
Trong trường hợp khối u tiến triển rộng, lan vào thanh quản, phải tiến hành cắt hạ họng kèm cắt bỏ thanh quản, bệnh nhân không còn nói được nữa; hoặc lan xuống thực quản, phải phẫu thuật cắt cả thực quản.
Tùy theo trường hợp, bệnh nhân còn phải được điều trị hỗ trợ bằng hóa chất diệt tế bào ung thư và chiếu tia xạ.
Hiện nay, chúng ta đã có nhiều thiết bị hiện đại, đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến để khám và điều trị tốt ung thư hạ họng, tuy nhiên kết quả điều trị ung thư hạ họng phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh, bệnh nhân đến khám càng sớm, càng có khả năng chữa khỏi bệnh. .
TS Lê Minh Kỳ